Cách chữa viêm họng, đau họng tại nhà theo dân gian

0  Bình luận | 09/11/2022

    Viêm họng là tình trạng niêm mạc hầu họng bị sưng viêm do virus, vi khuẩn hoặc do kích ứng, dị ứng do phấn hoa, khói thuốc, môi trường ô nhiễm. Bệnh lý này điển hình bởi tình trạng cổ họng đau, sưng nóng, khó nuốt kèm theo sốt, khàn tiếng, mệt mỏi và ho có đờm.

     Bên cạnh sử dụng thuốc, bạn cũng có thể áp dụng một số mẹo chữa tại nhà để giảm đau họng và các triệu chứng đi kèm. Các mẹo chữa tại nhà có thể hỗ trợ hiệu quả của phương pháp y tế, đồng thời rút ngắn thời gian điều trị và giảm nguy cơ bệnh tiến triển mãn tính.

Dưới đây là một số cách chữa viêm họng, đau họng tại nhà bạn có thể áp dụng:

Súc miệng với nước muối – Cách giảm đau họng tại nhà đơn giản

     Súc miệng với nước muối là cách đơn giản nhất để làm dịu cơn đau ở cổ họng. Nước muối ấm có tác dụng làm dịu niêm mạc, tiêu viêm và sát khuẩn. Ngoài ra, biện pháp này còn giúp làm loãng và loại bỏ dịch đờm ứ đọng, từ đó giảm nhanh tình trạng khó nuốt và nghẹn vướng.

    Không chỉ có hiệu quả giảm đau họng do viêm họng, súc miệng bằng nước muối ấm còn có hiệu quả giảm đau trong trường hợp viêm amidan, viêm thanh quản cấp, viêm VA và tổn thương hầu họng do trào ngược dạ dày thực quản. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể duy trì thói quen súc miệng bằng nước muối 1 – 2 lần/ ngày để phòng ngừa các vấn đề về đường hô hấp.

    Hướng dẫn thực hiện:

Chuẩn bị 1 ly nước ấm (khoảng 250 – 300ml)

Sau đó, cho vào ½ – 1 thìa cà phê muối biển

Khuấy đều đến muối tan hoàn toàn

Dùng nước muối súc miệng 1 – 2 lần

Kế tiếp, dùng phần nước muối còn lại ngậm trong 3 – 5 phút làm sạch virus và vi khuẩn tích tụ trong khoang miệng

Nên áp dụng đều đặn 2 – 3 lần/ ngày để nhận thấy hiệu quả rõ rệt

Dùng gừng tươi chữa viêm họng, đau họng theo dân gian

     Từ lâu, gừng tươi (sinh khương) đã được dùng để giảm các triệu chứng ở đường hô hấp như ho, đau họng, đờm ừ, khàn tiếng,… Theo kinh nghiệm dân gian, gừng có vị cay nồng, tính ấm, tác dụng tán phong hàn, cầm ho và chỉ thống (giảm đau).

Hiện nay, hiệu quả chữa viêm họng của gừng cũng đã được chứng minh trên cơ sở khoa học. Hợp chất Gingerol trong gừng tươi có khả năng kháng viêm và ức chế virus RSV – chủng virus thường gây viêm họng và cảm lạnh. Bên cạnh đó, Gingerol còn có tác dụng giảm đau tự nhiên với cơ chế tương tự thuốc chống viêm không steroid (NSAID).

Hướng dẫn thực hiện:

Cách 1: Ngậm vài lát gừng tươi (nên ngậm sát ở vùng hầu họng) để long đờm, giảm ho và giảm cảm giác đau rát, khó chịu. Nên áp dụng nhiều lần trong ngày để đạt hiệu quả tốt.

Cách 2: Hãm 1 củ gừng tươi xắt lát với 250ml nước sôi. Sau 10 – 15 phút, thêm vào 1 ít mật ong, khuấy đều và dùng uống khi trà còn ấm. Nên dùng đều đặn 2 – 3 lần/ ngày – đặc biệt là dùng trước khi đi ngủ để tránh cảm giác đau họng và ho bùng phát mạnh vào ban đêm.

Cách chữa viêm họng tại nhà bằng rễ cam thảo

     Rễ cam thảo có vị ngọt, tính bình và được dùng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh – đặc biệt là bài thuốc điều trị bệnh lý về dạ dày và đường hô hấp. Theo nghiên cứu từ y học hiện đại, axit glycyrrhizic trong thảo dược này có tác dụng kích thích sản sinh dịch tiết ở phế quản. Từ đó làm giảm độ đặc quánh và giúp loại bỏ đờm một cách dễ dàng thông qua phản xạ ho.

     Ngoài ra, axit glycyrrhizic cũng đã được chứng minh có khả năng ức chế virus, nấm và một số loại vi khuẩn gây viêm nhiễm thường gặp. Vì vậy bên cạnh sử dụng thuốc, bạn cũng có thể dùng rễ cam thảo để giảm nhẹ một số triệu chứng hô hấp thường gặp.

Hướng dẫn sử dụng:

Cách 1: Nhai vài lát rễ cam thảo, nuốt nước và nhả bã. Nên dùng đều đặn vài lần trong ngày để giảm nhanh cảm giác đau rát và khó chịu ở cổ họng.

Cách 2: Dùng 5g rễ cam thảo hãm với 250ml nước sôi trong 15 – 20 phút. Sau đó, uống từng ngụm trà nhỏ để thành phần trong cam thảo thẩm thấu sâu vào niêm mạc hầu họng.

Trà bạc hà giảm đau họng hiệu quả

     Dùng trà bạc hà là cách giảm đau họng khá hiệu quả và dễ thực hiện. Tinh dầu menthol trong thảo dược này có tác dụng làm mát niêm mạc họng, từ đó làm dịu cảm giác đau rát và ngứa ngáy.

    Bên cạnh đó, bạc hà còn chứa axit rosmarinic có khả năng chống dị ứng và ngăn chặn hiện tượng phế quản co thắt quá mức. Ngoài ra, tinh dầu thơm đặc trưng từ thảo dược này còn giúp giảm tình trạng khó chịu, mang lại thoải mái và thư giãn khi sử dụng.

Hướng dẫn thực hiện:

Chuẩn bị 1 nắm bạc hà tươi, đem rửa sạch và vò xát nhẹ

Cho bạc hà vào ấm và hãm với 250 – 300ml nước sôi

Để trong 10 – 15 phút và dùng trà khi còn ấm

Có thể thêm 1 ít đường phèn vào để tăng hương vị

Chữa đau họng, viêm họng bằng củ cải trắng

     Củ cải trắng không chỉ là loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất mà còn được sử dụng để điều trị các bệnh về đường hô hấp. Theo y học cổ truyền, củ cải có tác dụng tiêu thũng, thúc đẩy quá trình lưu thông khí ở phổi và hóa đờm. Do đó, vị thuốc này được sử dụng để giảm đau họng, ngứa ngáy, ho khan và ho có đờm do viêm họng, viêm phế quản kéo dài.

     Chiết xuất củ cải trắng đã được chứng minh có tác dụng ức chế vi khuẩn gram dương. Vì vậy, vị thuốc này được sử dụng như một liệu pháp hỗ trợ bên cạnh tân dược.

Hướng dẫn thực hiện:

Chuẩn bị 1 – 2 củ cải trắng tươi (nên lựa củ căng, chứa nhiều nước) và 1 ít mật ong hoặc đường phèn

Đem củ cải rửa sạch, cạo vỏ và cắt thành dạng sợi

Sau đó, đem trộn với đường phèn/ mật ong rồi cho vào hũ đậy kín để qua đêm

Sáng hôm sau, chắt lấy nước uống

Thực hiện liên tục trong vài ngày để giảm nhanh cơn ho và tình trạng đau họng, khàn tiếng

Tắc chưng đường phèn trị đau họng tại nhà

     Tắc chưng đường phèn là mẹo trị đau họng công hiệu được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Tắc (quả quất) có vị chua, tính ấm, tác dụng giải cảm, nhuận phế và tiêu đờm, được sử dụng để giảm ho có đờm và khàn tiếng. Ngoài ra, vitamin C trong loại quả này còn giúp nâng cao thể trạng và hỗ trợ hoạt động tiêu diệt virus, vi khuẩn của hệ miễn dịch.

Đường phèn là loại đường được chế biến từ thốt nốt, củ cải hoặc mía với vị ngọt thanh tự nhiên. Không chỉ có tác dụng tăng hương vị món ăn, đường phèn có có công dụng thanh nhiệt và nhuận phế. Kết hợp tắc và đường phèn có thể giảm cảm giác ngứa, đau rát cổ họng và ho do các bệnh đường hô hấp gây ra.

Hướng dẫn thực hiện:

Chuẩn bị 3 – 5 quả tắc tươi và 1 ít đường phèn, có thể dùng thêm mật ong

Rửa sạch tắc, cắt đôi cho vào chén

Sau đó, giã đường phèn rồi cho vào chén và đem hấp cách thủy trong 15 – 20 phút

Để nguội, ăn cả nước lẫn cái để giảm đau họng và ho khan, ho có đờm

Lê hấp táo tàu giảm ho và đau họng công hiệu

      Trẻ nhỏ có thể khó chịu khi dùng tắc chưng đường phèn vì vỏ tắc có vị đắng, cay nhẹ. Trong trường hợp này, bạn có thể thực hiện mẹo giảm đau họng và ho bằng lê hấp táo tàu (táo đỏ). Quả lê kết hợp với táo đỏ là bài thuốc giảm đau họng có nguồn gốc từ dân gian và hiện nay vẫn được áp dụng tương đối rộng rãi.

     Lê có vị ngọt, hơi chua, tính mát, tác dụng tiêu đờm, thanh nhiệt và nhuận phế. Trong khi đó, táo đỏ có tác dụng bồi bổ sức khỏe và nâng cao hệ miễn dịch. Cách giảm đau họng bằng lê hấp táo tàu không chỉ hỗ trợ giảm các triệu chứng khó chịu mà còn cải thiện sức khỏe rõ rệt.

Hướng dẫn thực hiện:

Chuẩn bị 1 quả lê (nên chọn quả lê có kích thước lớn), 1 ít táo đỏ, mật ong/ đường phèn và gừng

Rửa sạch lê, nạo bỏ phần ruột

Sau đó, xắt sợi gừng và cắt nhỏ táo tàu

Cho tất cả vào bên trong quả lê, thêm vào 1 ít đường phèn hoặc mật ong

Đem chưng cách thủy trong 15 – 20 phút với lửa nhỏ

Lấy ra để nguội và dùng ăn khi còn ấm 

Cách chữa đau họng bằng lê chưng táo tàu thích hợp với cả trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và cho con bú.

Dùng mật ong trị viêm họng

     Mật ong là một trong những vị thuốc chữa viêm họng được dùng phổ biến. Với đặc tính tiêu viêm, long đờm và giảm ho, mật ong có khả năng giảm nhanh tình trạng ho khan, ho có đờm, ngứa và đau rát cổ họng. Bên cạnh đó, mật ong còn chứa nhiều khoáng chất và vitamin tốt cho sức khỏe.

     Ngoài ra, chất defensin – 1 có trong mật ong còn giúp tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng da và niêm mạc đường hô hấp. Chính vì vậy, áp dụng các mẹo chữa từ nguyên liệu này có thể giảm các triệu chứng do viêm họng gây ra như cổ họng sưng nóng, đau rát, ngứa, ho khan, ho có đờm,…

     Đặc biệt, mật ong kết hợp cùng đông trùng hạ thảo – loại dược liệu quý trải qua “tam âm tam dương” cũng được cho là bài thuốc chữa viêm họng hiệu quả, dễ thực hiện tại nhà. Bởi trong đông trùng hạ thảo có chứa hơn 17 loại axit amin và nhiều nguyên tố vi lượng tốt cho sức khoẻ, khi ngâm cùng mật ong sẽ giúp tống tiễn nhanh chóng và hiệu quả các cơn đau do viêm họng gây ra. 

Hướng dẫn thực hiện:

Cách 1: Ăn trực tiếp vài thìa mật ong để giảm đau và ngứa ngáy cổ họng.

Cách 2: Pha 3 – 4 thìa cà phê mật ong với 150ml nước ấm, khuấy đều và dùng khi trà còn ấm.

Cách 3: Kết hợp mật ong cùng với một số nguyên liệu tự nhiên khác như tắc, lê, củ cải trắng, quế, gừng tươi,…

Cách 4: Ngâm 10g đông trùng hạ thảo sấy khô cùng 100-200ml mật ong rừng nguyên chất. Sau 7 ngày có thể sử dụng, mỗi lần dùng từ 10-15ml pha cùng nước ấm 70 độ. 

Lưu ý khi chữa viêm họng, đau họng tại nhà

    Viêm họng là bệnh hô hấp thường gặp có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Dù ít khi ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng các triệu chứng của bệnh tác động nhiều đến giấc ngủ, hiệu suất lao động, học tập,…

    Áp dụng các mẹo chữa đau họng tại nhà có thể giảm phần nào cơn đau, cảm giác ngứa ngáy, ứ đờm, ho,… Tuy nhiên, mẹo chữa tại nhà chỉ có tác dụng hỗ trợ, hoàn toàn không thể thay thế cho các phương pháp y tế. Vì vậy khi áp dụng, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:

  • Nếu viêm họng gây đau nhiều kèm theo sốt, mệt mỏi và khó thở, nên đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị. Áp dụng cách chữa tại nhà trong những trường hợp này đều không mang lại hiệu quả rõ rệt.
  •     Bên cạnh mẹo dân gian, cần sử dụng thuốc để kiểm soát bệnh hoàn toàn. Tránh tình trạng phụ thuộc quá mức khiến bệnh tiến triển dai dẳng và chuyển sang giai đoạn mãn tính.
  •     Mặc dù cho hiệu quả chậm nhưng đa phần các mẹo chữa tại nhà đều mang lại cải thiện nhất định. Vì vậy song song với sử dụng thuốc, bạn nên áp dụng các mẹo chữa này đều đặn trong 5 – 10 ngày tùy theo mức độ bệnh. Nếu chỉ phụ thuộc vào thuốc, triệu chứng có thể tiến triển dai dẳng và chuyển sang giai đoạn mãn tính.
  •     Bên cạnh đó, nên chú ý giữ vệ sinh răng miệng để giảm mức độ phù nề và ứ đờm ở cổ họng. Ngoài ra, cần ăn uống điều độ và ngủ nghỉ đúng giờ để đẩy nhanh tốc độ phục hồi.

Đa phần các cách chữa viêm họng tại nhà đều sử dụng nguyên liệu tự nhiên nên có độ an toàn cao và lành tính. Vì vậy bên cạnh các phương pháp y tế, bạn cũng có thể áp dụng để đẩy lùi triệu chứng và ngăn ngừa bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính. Bên cạnh đó, nên phối hợp với thói quen ăn uống và sinh hoạt khoa học để rút ngắn thời gian điều trị.

Viết bình luận của bạn:
Zalo Công Ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm Trường Thọ Messenger Công Ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm Trường Thọ 0966430139
popup

Số lượng:

Tổng tiền: